In bao bì một cách thúc đẩy bán hàng hiệu quả
Các chuyên gia marketing luôn biết rằng bao bì sản phẩm chính là một trong những chìa khóa để bán hàng, vì vậy, mỗi bao bì được tạo ra đều ẩn chứa một thông điệp, hướng đến một mục tiêu, đối tượng khách hàng đã định. Vận dụng tâm lý học, nhà sản xuất đã biết sử dụng bao bì như những công cụ hữu dụng nhất để nhanh chóng đẩy sản phẩm sớm thoát ra khỏi kệ và đi vào giỏ hàng của người mua.
Bao bì thông minh và ứng dụng trong bảo quản thực phẩm
Những lời khuyên để có mẫu thiết kế bao bì thực phẩm nổi bật.
Màu sắc
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thành phần cấu tạo nên bao bì để hấp dẫn người tiêu dùng. Màu sắc có tác dụng thu hút ánh mắt và tạo ra các giả định trong tâm trí con người một cách vô thức, ngay trước khi họ kịp định hình được thông tin.
Màu đỏ thường tạo cảm giác ngon miệng. Màu vàng truyền đạt tính tích cực, hạnh phúc, lạc quan, sự ấm áp, khỏe mạnh. Màu cam, dung hòa hai sắc thái trên, mang lại năng lượng tràn trề và sự nhiệt tình, nhưng cũng hết sức phiêu lưu, bồng bột và còn bị coi là màu của “tầng lớp thấp”. Do đó, màu này rất ít được sử dụng trong phân khúc cao cấp. Nhìn chung, ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống tăng lực, giải khát, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo rất chuộng những sắc nóng này để truyền cảm hứng về sức trẻ, sự tươi sáng, lòng nhiệt thành, và tất nhiên, qua đó tạo sức hút với nhóm đối tượng thanh niên, trẻ em, thường rất chuộng sắc nóng.
Màu xanh lá cây ngày càng được sử dụng nhiều trên bao bì các sản phẩm với các quảng cáo nhấn vào sự “lành mạnh”, “thân thiện với môi trường” hay các mặt hàng “xanh” như trà, rau. Có thể thấy rất rõ điều này trong các lọ mứt của nhà sản xuất Smucker đến từ nước Mỹ. Thông thường, nắp lọ sẽ có màu tương ứng với sản phẩm chứa trong đó. Nhưng với các sản phẩm cần nhấn mạnh tính “tự nhiên”, họ dùng chung nắp xanh cho tất cả. Màu nâu cũng thường được dùng với ý nghĩa tương tự, dù rằng nó có tự nhiên thật hay không cũng rất khó nói, như Ahmed Rahim – CEO của Numi Tea – từng nói: “Bạn có thể thêm bất cứ thứ gì vào sản phẩm rồi ung dung đề “hương vị tự nhiên” trên bao bì. Ngay cả khi đó là hòn đá lăn lông lốc trên mặt đất!”
Xanh lam ít khi được dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm, nhưng các hãng sữa và các sản phẩm ít chất béo thường chuộng dùng màu này “ngầm” biểu thị sự mát mẻ, khoan thai và thư giãn. Xanh lam cũng đại diện cho trí tuệ và nam tính. Do đó, những sản phẩm cao cấp, đặc biệt hướng đến nam giới, thường “đóng đinh” với màu này. Nhóm tiêu dùng trẻ ít khi vứt những sản phẩm có màu lam đậm vào giỏ hàng, nhưng khi nhà sản xuất thay bằng màu xanh sáng thì đó lại là chuyện khác.
Màu tím trong bất cứ ngành nghề nào cũng được cho là một màu khó phối kết. Nó thường được gắn với các sản phẩm cao cấp bởi dù văn hóa phương Đông hay phương Tây, nó cũng đại diện cho sự sang trọng và cao quý. Trong khi đó, màu đen thường đi cùng khách VIP, tượng trưng cho quyền lực và sự giàu có. Với một series hàng hóa, những mặt hàng có màu đen thường được ngầm hiểu là được định vị ở vị trí cao hơn. Không những vậy, màu đen được sử dụng trong thiết kế bao bì để làm nổi bật những màu khác cũng như để “đánh” vào các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Vàng-đen, bạc-đen thu hút khách hàng giàu có, đen-đỏ thường dùng cho sản phẩm có yếu tố… tình dục, nhưng nếu là đỏ tươi thì lại kích thích nhóm khách phi tín ngưỡng, hay hồng-đen thì hướng tới các cô gái…
Màu trắng được xem là “màu hai lưỡi” khi tượng trưng cho sự sạch sẽ, yên bình, thanh tịnh, tươi mát, nhưng cũng “tầm thường”, chung chung và dễ “hòa tan”. Vì thế, trắng thường chỉ dùng làm màu đệm. Nếu chọn trắng làm màu chủ đạo, nhà sản xuất sẽ rất vất vả chọn nơi hiển thị hàng hóa để vừa không bị che khuất mà cũng không thể dính bụi bẩn khi trắng luôn là “màu tố cáo” nhanh nhất.
Bố cục, hình ảnh, sự sắp xếp của các chi tiết trên bao bì cũng có tác dụng đánh động vào từng nhóm đối tượng khách hàng. Nếu là sản phẩm cho trẻ em, nhà sản xuất sẽ thu hút bằng các hộp giấy nhiều màu sắc với các nhân vật hoạt hình, game online… trong khi sản phẩm cho người lớn thường dùng hình ảnh vận động viên, những người nổi tiếng lâu năm, còn với thanh niên thì sẽ thay bằng các ngôi sao tuổi teen, “hot girl”, “hot boy” hay những hình ảnh dễ thương.
Hình dạng
Hình dạng của bao bì cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến việc bán hàng. Dạng vỏ lon “mảnh mai” thường để thu hút người tiêu dùng với hàm ý “nếu bạn mua sản phẩm của chúng tôi, bạn cũng sẽ có được thân hình mảnh mai như vậy”. Và những sản phẩm chuộng dạng lon nhất lại có nguy cơ gây… béo phì nhất như súp, chè, nước giải khát…
Tại sao thức ăn dạng lỏng và đồ tẩy rửa thường được dựng trong các bao bì có dạng “vỏ chai”? Bởi những vỏ này được cách điệu từ hình dáng của người phụ nữ, một bờ vai nhỏ, một vòng eo thon và… một bộ mông căng tròn. Tất nhiên, nó hướng đến người tiêu dùng nữ và thậm chí cả nam giới (chủ yếu với sản phẩm rượu) – thường rất khó cưỡng lại những cong tuyệt diệu.
Ngay cả âm thanh mà bao bì tạo ra cũng có thể truyền cảm hứng hoặc ức chế mua hàng. Tiếng khui nắp một lon Coca-Cola hay “phốc” khi mở một chai champagne chính là điều huyền bí cho ngành giải khát, tạo thêm “gia vị” cảm xúc khi uống. Nhưng tiếng lạo xạo mà túi kẹo Sun Chip (sản phẩm xuất hiện vào năm 2009) tạo ra lại gây khó chịu cho người tiêu dùng, hãng sản xuất đã nhận rất nhiều lời phàn nàn, lượng tiêu thụ giảm mạnh 11% cho đến khi chiếc túi đó bị “khai tử” vào năm 2010.